Hoạt động Formosa_Vũng_Áng

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh (Dự án) của Công ty TNHH Gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa Hà Tĩnh) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 với tổng số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 10,548 tỷ USD với các hạng mục công trình chính:

  • (i) Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất Nhà máy liên hợp gang thép lên 22,5 triệu tấn/năm;
  • (ii) Cụm cảng Sơn Dương với 11 bến tàu ở giai đoạn một trong tổng số 32 bến tàu;
  • (iii) Tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa với tổng công suất 650MW, bao gồm 5 tổ máy phát điện.
Nhà máy Nhiệt điện Formosa

Theo Ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, (7/2014) trên công trường Formosa có 24.000 lao động đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đang làm việc, trong đó có khoảng 22.000 lao động VN. Số lao động nước ngoài đến nay có 2.000 người, trong đó phần lớn là chuyên gia Đài Loan với khoảng 1.200 người, Trung Quốc đứng thứ nhì với khoảng 450 lao động...[2]

Ưu đãi

Khi vào Việt Nam, chủ đầu tư dự án Formosa nhận được nhiều ưu đãi chưa từng có như được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền....[4]

Thậm chí để đảm bảo ổn định đầu tư, tại khoản 7, Điều 4, Hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, dự án không bị chi phối bởi Điều 38, Luật Đất đai 2003.[3]

Cạnh tranh sản phẩm nội địa

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “cho” quá nhiều để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Trong bài toán đầu tư này, Việt Nam mất nhiều hơn được nhất là trong hoàn cảnh ngành sắt thép đang dư thừa, doanh nghiệp thép trong nước gặp khó khăn như hiện nay. Ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, ngành thép Việt Nam đang nằm trong thế trận cạnh tranh sống còn. Nguy cơ bị thôn tính rất cao.

VSA cho biết, lượng thép tiêu thụ tháng 4/2014 chỉ đạt 443.600 tấn, giảm gần 15% so với tháng trước. Lượng thép tồn kho hơn 255.000 tấn. Nhiều nhà máy vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Trong khi đó với một dự án sản xuất thép với nhiều ưu đãi như Formosa đang vô tình đặt doanh nghiệp nội vào thế cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà.[5]

Ý kiến chuyên gia kinh tế

  • Chuyên gia Phạm Chi Lan cho là: "Cho họ rất nhiều ưu đãi như vậy thì có nghĩa tạo cho họ một sân chơi khác hẳn so với các doanh nghiệp thép đang làm trong nước. Như vậy khi thép Formosa hình thành có thể giết chết hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước của Việt Nam".[4]
  • TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: “Ưu đãi như vậy thì các doanh nghiệp khác của ngành thép trong nước sẽ cạnh tranh làm sao? Điều rất đang lo ngại hơn đó là các biện pháp đặc biệt này không dừng ở đó và trong tương lai sẽ có bao nhiêu Formosa nữa đang chờ?”.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Formosa_Vũng_Áng http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/1608... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/1609... http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/09/2... http://www.voatiengviet.com/a/doan-nguoi-di-kien-f... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160810-nguoi-viet-hop-... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/formosa-ha-ti... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nha-thau-cui-... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghie... http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/a-victim... http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/parishio...